Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

CHIẾC ÁO TRONG TIỆC CƯỚI

Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT 

 Đức Giêsu Kitô thiết lập Đạo tình thương của Ngài nơi trần thế. Đạo của Chúa Giêsu không phải là một thứ Đạo lơ lửng, xa thực tế, xa con người. Đạo của Chúa là một Đạo rất người, rất thực tế. Chúa Giêsu không bao giờ nói một điều gì mà không làm. Lời nói của Ngài luôn đi đôi với việc làm. Chúa luôn muốn cho Đạo của Ngài xây dựng, thiết lập phải trở nên một Đạo gần gũi con người, một Đạo lan tỏa tình yêu thương cho mọi người.Tuy nhiên, Đạo Do Thái vào thời của Chúa Giêsu đã trở nên tha hóa và biến chất trầm trọng nơi hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Các thượng tế, kỳ mục, các người có chức có quyền trong hàng ngũ lãnh đạo đã làm cho Đạo giáo trở thành một thứ tôn giáo vụ hình thức và bề ngoài chỉ mang nhãn hiệu tôn giáo mà thôi. Chúa Giêsu đã lên án gắt gao hàng lãnh đạo tôn giáo lúc đó. Ngài đã lên án thái độ của bọn ký lục, biệt phái và Pharisiêu, Ngài nói: " Những bọn người đó ngồi trên tòa Maisen… Đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm" (Mt 23,2-3 ). Với một tâm địa độc ác, giả dối, họ không có con tim và tấm lòng rộng mở để đón nhận sự thật và chân lý. Họ giống như các khách được chủ mời đã nân ná dùng hết lý do này đến lý do khác rất tầm thường để khước từ dự tiệc cưới. VẪN LÀ TIỆC CƯỚI Chủ đề tiệc cưới thường được Kinh Thánh dùng tới để biểu trưng cho giao ước giữa Thiên Chúa với dân của ngài ( x.Is. 61,4-5; Os 2 ). Ở Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gián tiếp chiếm cho mình địa vị Thiên Tử. Tiệc cưới của Vua Cha mở ra để khoản đãi khách mời khi con của mình đi vào hôn nhân. Tiệc cưới ở đây ám chỉ tiệc của con Vua, nên khách mời gồm đủ thành phần mà những thành phần này phải là những người được tuyển chọn. Trước là các sứ giả, tức các ngôn sứ, sau này là các môn đệ của Chúa, những khách mời tiếp theo là dân Do Thái Chúa chọn để thừa hưởng gia nghiệp cao quí của Chúa và được thừa hưởng ơn cứu rỗi đầu tiên.Tất cả khách mời đều không muốn tới dự dù rằng họ quá biết tầm quan trọng của tiệc cưới con trai của vua. Dân Do Thái cũng vậy chẳng phải họ không biết ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân, chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Đấng ban ơn cứu độ mà các tổ phụ và các ngôn sứ đã tiên báo, nhưng do tính kiêu ngạo, lòng ích kỷ và những dục vọng thấp hèn đã thúc đẩy dân Do Thái chối từ tình thương vô biên của Chúa. Do đó họ có cái nhìn thiên lệch, lạc lối, nên họ đã tránh né giờ cứu độ của Thiên Chúa và luôn chống đối Ngài, đúc và thờ bò vàng. Thái độ của dân Do Thái ví như những khách được Vua mời mà từ khước dự tiệc cưới con trai của vua, vì thế họ đã bị Chúa trừng trị thích đáng. Tiệc đã được dọn sẵn, khách lấy mọi lý do rất tầm thường để khước từ lời mời gọi vào dự tiệc, nên các đầy tớ được lệnh của chủ sai đi ra các nẻo đường để thu nạp các người "tốt và xấu": dân ngoại giáo và những người tội lỗi. Ơn cứu độ thuộc về mọi người chứ không dành riêng cho một người nào, một dân tộc nào hay một lớp người nào được ưu đãi.Tất cả đều do lòng nhân từ thương xót của Chúa.Tuy ơn cứu độ do lòng yêu thương,tha thứ của chúa,nhưng nó vẫn đòi hỏi điều kiện. VẪN ĐÒI HỎI CÓ SỰ HOÁN CẢI, ĂN NĂN, CẢI TÀ QUI CHÁNH VÀ BÁM CHẶT VÀO CHÚA: Chúa yêu thương con người, tha thứ cho con người. Nhưng, không phải vì thế mà con người không có thái độ quay trở về với Chúa, ăn năn, sám hối và tin tuyệt đối vào Chúa. Tiệc cưới dọn sẵn, thái độ của khách mời luôn luôn phải tỏ ra nghiêm túc. Vào tiệc cưới, khách được mời phải ăn mặc xứng đáng, chứ không được ăn mặc cẩu thả, bầy hầy vì như thế sẽ trở thành vô lễ và ngạo mạn với chủ, với đám tiệc. Tin Mừng chấp nhận dấu hiệu của áo cưới. Áo cưới sạch sẽ, đàng hoàng không những chứng tỏ khách được mời tôn trọng, lễ phép với chủ tiệc, nhưng nó còn minh chứng thái độ tâm linh của con người được mời tham dự vào tiệc nước trời, tiệc cứu thoát của Thiên Chúa. Áo cưới trước tiên là áo khiêm nhường, người được mời chấp nhận đi dự tiệc, chứ không phải đi chiếm hữu đám tiệc. Sau quyền nhận vào nước trời là quyền của Thiên Chúa. "Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em" (Bài đọc 2 ). Áo cưới chính Đức Kitô đã trao cho chúng ta:" Đây là Thiên Chúa chúng ta, nơi Ngài chúng ta hy vọng,Ngài đã cứu độ chúng ta" ( Bài đọc I ). Thánh Phaolô vì thế nói với nhân loại, nói với ta: "mặc lấy Đức Kitô" ( Gal. 3,27; Eph.4,24 ). Muốn vào tiệc cưới, muốn đạt nước trời, con người phải có thái độ ăn năn, thống hối như Phêrô, như các tông đồ khác. Thái độ tuyệt vọng như Yuđa là thái độ từ khước ơn cứu độ, từ khước nước trời. Phải bám chặt vào Chúa nghĩa là mặc chiếc áo cưới mới tinh sạch, vẹn tuyền khi bước vào bàn tiệc nước trời đã khai mở, đã bắt đầu. "Những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít" không phải là câu nói bi quan. Bàn tiệc vẫn đông vui, vẫn hào phóng như chủ đã định trước. Người Kitô hữu được mời gọi vào tiệc cưới qua chiếc áo tinh tuyền ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, liệu có sẵn sàng đáp trả lại tình thương hải hà của Chúa hay đã vô ơn làm cho chiếc áo cưới trở thành hoen ố, không xứng đáng vào dự tiệc cưới đã dọn sẵn và cuối cùng bị đuổi ra ngoài bàn tiệc vì chủ tiệc phát hiện khách được mời không mặc áo cưới xứng đáng để vào dự tiệc nước trời. Tiệc Thánh Thể là lời mời gọi khẩn thiết để người Kitô hữu kết hiệp với Chúa và được Chúa chúc lành. Khiêm nhượng, hạ mình, chấp nhận con người đầy khiếm khuyết tội lỗi để xin Chúa thương thứ tha. Đó là thái độ sẵn sàng nhất để áo quần tề chỉnh, sạch sẽ để mau mắn đi vào bàn tiệc, đi vào nước trời.